728x90 AdSpace

  • Bài mới

    Monday, April 18, 2016

    Giá mình có ai đó để yêu

    Chúng ta không hẹn nhau kiếp sau, bởi vì chỉ có những người yêu nhau mới mong được gặp lại. Anh hãy yên tâm đi đến nơi mà anh muốn, gặp người mà anh thương...
    ***

    Trước khi lên xe, người ta tiêm cho cô một mũi an thần. Cô loáng thoáng nghe thấy có tiếng người hỏi nhưng rất rời rạc, những mảnh vụn thông tin chắp nối thoáng hiện lên trong đại não rồi biến mất: "Ổn...ở lại...đừng". Cô không xác định nổi là giọng nam hay nữ, nói với cô hay là những người đang ngồi cạnh cô, nhưng theo bản năng cô vẫn gật đầu. Rồi, cô cảm thấy đất dưới chân mình đang di chuyển. Cô bắt đầu nói lẩm nhẩm: "Sẽ qua hết, sẽ qua hết, sẽ qua hết".
    Cô thường làm thế mỗi lần thấy sợ hãi, nhiều năm nay, từ khi cô còn rất nhỏ. Cô thực sự tin rằng suy nghĩ tích cực là cách thức tốt nhất để chống đỡ lại mọi khó khăn, hoặc giả như nó chỉ là một phương pháp tự thôi miên để lừa mình dối người, thì cũng có tác dụng hơn thứ thuốc ngủ chỉ làm tê liệt mọi giác quan, sau đó khi tỉnh dậy, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn đấy, bởi không phải cơn ác mộng nào cũng là mơ.
    Giữa chừng, dòng suy nghĩ của cô bị gián đoạn, vì cái lay dữ dội của chồng mình. Cô hơi bực bội, tuy rằng trong xe rất tối, chỉ có ánh sáng xanh nhạt tỏa ra từ chiếc bảng điều khiển và mắt cô chưa kịp thích ứng được với việc mở ra đột ngột, thì cô vẫn nhận ra đó là chồng mình. Cô không hiểu từ lúc nào anh lại chuyển xuống ngồi cạnh cô. Không phải vị trí của anh là ở chỗ ghế lái sao? - Cô mấp máy môi, nhưng không thành tiếng. Xong, ngay lập tức cô phát hiện ra có điều gì đó vô lý, chồng cô vốn dĩ không ở đây. Thì ra là nằm mơ - cô cười nói. Xe vừa qua một đoạn đường xóc nảy. Cô đoán.

    ***
    Năm thứ tư đại học, cô chuyển đến sống tại một nơi hoàn toàn mới. Chỗ cô ở hiện tại là một căn nhà bốn tầng, mỗi tầng có hai phòng khép kín, nếu gọi là "xóm" thì hơi đồ sộ. Dẫn vào nhà trọ là một cái ngõ hẹp sâu hun hút, hai bên đường đều là nhà cao tầng san sát, có sạp bán rau củ thịt cá, có cửa hàng tạp hóa, quán cơm bình dân, gội đầu massage. Khi cô tìm đến đây, vừa vặn bà chủ nhà đang treo biển cho thuê một căn phòng ở tầng ba, có ban công quay mặt về hướng Nam, vừa có thể sưởi nắng và bày biện một vài chậu cây cảnh.
    Cô rất ít khi gặp những người hàng xóm sống quanh mình, ngoại trừ hôm cô khệ nệ khiêng về mấy chậu hoa dài, lúc leo lên cầu thang chạm phải một đôi bạn trẻ đang tình tứ đi xuống. Cô gái nhỏ lén liếc nhìn cô một cái, rồi thì thầm với bạn trai: "Hình như là người mới tới, ở dưới phòng mình". Chàng trai véo má bạn gái: "Sao em biết? Lắm chuyện thế". Cô gái nhỏ phụng phịu: "Tại mấy ngày nay không thấy cái tên đàn bà kia lên gõ cửa phòng mình than phiền nữa". Cuộc trò chuyện tới đây thì kết thúc, hoặc có kéo dài thêm nữa không thì cô không biết, vì đôi tình nhân ấy đã đi đến khúc cua và biến mất. Buổi chiều, cô lúi húi lấp đầy đất vào những chậu hoa dài hình chữ nhật, màu trắng, trông từa tựa như những cái bồn tắm, rồi treo ra phía ngoài ban công, dự định, mấy hôm nữa sẽ đi mua hạt giống hoa dạ yến thảo về trồng. Nhưng sau đó vì mải suy nghĩ cho đề tài luận văn tốt nghiệp nên cô quên mất chuyện này. Cô vẫn hay thế, lúc nhiệt huyết sôi trào nếu không bắt tay vào hoàn thiện ngay, thì công việc rất dễ bị bỏ dở lưng chừng.
    Vài tuần sau, khi tưởng là đã thích nghi được với cuộc sống ở trọ bên ngoài, cô bỗng hối hận vô bờ bến và ngậm ngùi đồng cảm sâu sắc với "cái tên đàn bà" đã chuyển đi. Ban đêm, cô thường giật mình tỉnh giấc bởi những âm thanh rên rỉ nỉ non lúc to lúc nhỏ, lúc xa lúc gần, và tiếng kêu kẽo kẹt như thể có hàng chục thanh xà nhà cũ sắp đổ sập xuống, từ trên tầng vọng đến, mà có lúc cô ngỡ là mình đã nghe lầm. Nhưng rõ ràng không phải thế, nó ngày một lặp lại với tần suất đều đặn hơn. Cô đã qua rồi cái tuổi ngây thơ tới mức cho rằng âm thanh ấy là tiếng hồn ma tâm sự trong đêm. Có ngày thực sự không thể nhịn nổi nữa, cô tung cửa, và xông thẳng lên lầu, nhưng được nửa chừng thì hơi xấu hổ. Chẳng lẽ một đứa con gái giữa đêm hôm khuya khoắt lại gõ cửa nhà người ta và kiến nghị: "Làm ơn, nếu có làm tình thì khe khẽ cái miệng và đừng rung giường phành phạch như thế chứ". Hàng xóm mà, nhịn đi, cô nghĩ. Đôi khi, tình cờ gặp đôi bạn trẻ dưới chân cầu thang, cô hay chột dạ, cúi gằm mặt vờ như không thấy họ, cô có cảm giác mình là kẻ biến thái đi rình trộm chuyện riêng tư nhà người ta. Vậy nên, sống nửa năm ở đây nhưng cô vẫn chưa biết rõ mặt những người hàng xóm lầu trên.
    Tận đến một ngày, lúc phơi quần áo, vô tình nhìn xuống những chậu hoa bị lãng quên ngoài ban công, cô sững sờ trông thấy vài mầm cây xanh bé xíu đang nhô cao khỏi mặt đất. Trong khi cô còn đang phân vân tự hỏi, không biết có phải mình bị mộng du mà trồng cây không, thì thấy có mấy hạt nhãn đen nhánh, tròn xoe từ trên trời bay vèo xuống. Cô thò nửa người ra ngoài ban công, nhìn lên, thấp thoáng thấy bóng người chạy tọt vào trong, nhanh nhẹn như một cánh bướm. Hóa ra là có kẻ ăn quả rồi nhủ hột xuống mấy chậu hoa nhà cô, lâu ngày mới mọc thành cây. Cô hùng hổ leo lên tầng trên:
    Cốc cốc...
    Một lúc sau, chàng trai mới ra mở cửa, gương mặt lạ hoắc hơi sững sờ vì cuộc viếng thăm đột ngột của cô. Cô nghe anh ta hỏi:
    - Bạn là?
    Cô quay ngón tay cái chỉ xuống dưới tầng, hàng xóm. Chàng trai có vẻ ngượng ngập.
    - Có chuyện gì không?
    Cô nén cục tức cố tỏ ra mình là người lịch sự, văn minh:
    - "Người nhà anh" ăn quả nhè bã xuống nhà tôi. Cây mọc xanh um lên rồi. Chính mắt tôi nhìn thấy (cô nhấn mạnh).
    Chàng trai lúng túng:
    - Thật xin lỗi, em nhà tôi không cố ý. Cô ấy có thói quen vừa vẽ tranh vừa ăn hoa quả, chắc là vô thức ném xuống.
    Vừa nói thế, anh ta vừa quay người vào trong, tuy lớn tiếng gọi, nhưng giọng không hề giận dữ, ngược lại có chút rung rung như đang cố nín cười:
    - Mèo Sún à, mau ra đây.
    Tên gì kì vậy, cô cúi đầu cắn môi, lúc ngước mắt lên đã thấy cô gái nhỏ, mặc chiếc váy hoa màu trắng xanh, e lệ bước ra từ nhà tắm, chạy đến núp sau lưng chàng trai, khuôn mặt đỏ bừng bừng.
    - Còn không mau xin lỗi?!
    Người được gọi là "ông xã" giả vờ gắt. Cô nhìn một màn trước mắt, có cảm giác mình giống như "đầu gấu" đi bắt nạt bạn nhỏ, liền thở dài xua xua tay:
    - Thôi đều là hàng xóm, dĩ hòa vi quý.
    Sau ngày ấy, ba người thỉnh thoảng gặp mặt sẽ không làm ngơ nhau nữa. Cô gái nhỏ còn chủ động bắt chuyện với cô, lúc biết cô đang ở một mình liền cảm thán: "Chị không thấy buồn sao. Nếu là em sẽ buồn mà chết". Cô vì thế cũng nghe được không ít chuyện về họ. Ví như, tên cô gái nhỏ vốn rất đẹp, còn cái biệt danh kỳ quái kia là do chàng trai đặc biệt "ban tặng". Ví như, cô gái nhỏ ít hơn cô hai tuổi, nhưng "anh xã" cô ấy lại nhiều hơn cô hai tuổi. Họ đều là sinh viên trường Kiến trúc, nhưng chàng trai đã tốt nghiệp và đi làm, lương tháng được "những tận ba triệu". Hai người đang sống thử. Lúc cô gái nhỏ kể với cô điều này, không hề tỏ ra ngượng ngập, mà còn vỗ ngực tự hào: "Sớm muộn gì em cũng lấy anh ấy về nhà thôi".
    gia-ma-co-nguoi-yeu-minh-1
    Bắt đầu từ khi nào cô có thói quen lắng nghe mọi động tĩnh của nhà trên, chính cô cũng không nhớ rõ nữa. Thời gian đó cô được nghỉ, phần lớn ngồi nhà viết luận văn, một vài buổi chiều ngày lẻ thì phóng xe đến chỗ thực tập. Từ ngày chuyển đến căn hộ này, cô thường bật dậy lúc bảy giờ sáng, bởi tiếng giật nước ào ào từ tầng trên, khiến nắp cống trong nhà tắm phòng cô rung lên bần bật. Cô có cảm giác mình sẽ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Cô cứ nằm ngẩn ngơ trên giường mãi, chờ đến khi đôi bạn trẻ sập cửa ra khỏi phòng, mới uể oải đứng dậy dọn dẹp và ăn một bữa sáng thật bự thay cho cả ngày, sau đó ngồi lì trước máy tính xem một bộ phim nước ngoài gì đó trên mạng, không có phụ đề. Cô coi mà không hiểu, thế càng tốt, cô sẽ vừa xem vừa bịa ra một nội dung mới và gán cho nhân vật các lời thoại tự mình nghĩ ra - Trò chơi nhàm chán ấy giúp cô giết thời gian. Khi cô chuẩn bị thiu thiu ngủ gật là lúc đôi bạn trẻ trở về, cô nhận ra, bởi cô gái nhỏ rất thích nện gót giầy mỗi lần lên cầu thang. Cô nghe họ đùa giỡn với nhau lúc nấu ăn, cô gái nhỏ hay đánh rơi đồ, khiến trần nhà phát ra những tiếng leng keng leng keng - Đó là tiếng rơi của đồ vật làm bằng inox. Nhà họ toàn dùng đồ inox, từ đũa, thìa, bát đĩa, xoong nồi đến cốc uống nước, có lần cô gái nhỏ bĩu bĩu môi kể thế. Buổi tối, lúc ngồi viết luận văn, cô thường thất thần nghe tiếng họ vừa phơi quần áo vừa trò chuyện. Cô gái nhỏ hay nghêu ngao hát một ca khúc tự chế, lời lẽ chẳng hề ăn nhập và nhạc điệu thì lung tung xoèng:
    Gọi tên anh một ngàn lần
    Cả đời này sẽ chỉ gọi tên anh một ngàn lần
    Bởi vì rất muốn nghe lúc anh trả lời
    Ơi, anh ở đây!
    Thế nên gọi tên anh một ngàn lần
    Bất kể anh đang rất gần bên
    Chúng ta chỉ cách nhau một gang tay,
    à không,
    thậm chí còn ngắn hơn thế, một hơi thở, một cái hắt xì hơi
    Vẫn muốn gọi tên anh một ngàn lần
    Ú u ù u....
    Giá như mình có ai đó để yêu, cô nghĩ, như thế sẽ đỡ hơn, sẽ cảm thấy mình vẫn còn thuộc về một nơi nào đó hoặc ít ra có ai đó để gọi tên, dẫu đáp lời chỉ là những tiếng vọng khô khốc vào thinh không.
    Có một hôm chàng trai tự nhiên hỏi cô về những đôi giầy.
    - Con gái rất thích đi giầy cao gót sao?
    - Em không biết, có thể là thế - Cô vừa bước lên những bậc cầu thang vừa trả lời - Phần lớn các bạn gái lớp em đều đi chúng.
    Chàng trai "Ồ!" lên rồi không hỏi thêm gì nữa. Anh ta nói cám ơn cô, sau đó họ khách sáo chào tạm biệt nhau. Cách mấy ngày, cô gái nhỏ ôm một rổ táo tàu xuống nhà cô.
    - Chị biết gọt táo không, thành những vòng tròn không đứt đoạn ấy?
    Cô nghĩ, sao đôi này thích hỏi những câu kỳ lạ.
    - Chị chưa thử bao giờ. Cứ rửa sạch rồi cho vào mồm cắn rột rột thôi.
    Cô gái nhỏ bật cười ha ha, rồi bắt đầu cầm dao gọt một cách chuyên chú.
    - Hồi em chuẩn bị thi đại học, một hôm, mẹ em nghe ai bảo: nếu vào buổi sáng ngày mà mình định làm một việc trọng đại trong đời, được người thân gọt cho một quả táo không để đứt vỏ thì chắc chắn mọi việc sẽ thành công. Mẹ em thử, tài không, em thế mà đỗ đại học thật.
    Cô nín thở nhìn chằm chằm vào những vòng vỏ xoắn tít nhưng cứ đến gần cuối, lúc sắp chạm vào đầu quả, thể nào cũng đứt đoạn. Chẳng mấy chốc, trên bàn ăn nhà cô đã bày đầy những quả táo "lõa thể".
    - Chủ nhật vừa rồi, khi đi dạo phố, bọn em có ghé qua một cửa hàng giầy. Em nhìn thấy một đôi cao gót màu xanh dương trong tủ kính, thực ra nó cũng không đến nỗi đẹp lắm, nhưng chẳng hiểu vì sao lúc ấy em lại buột miệng thốt lên: "Ôi đẹp quá!". Vậy là anh nhà em nói: "Nếu em thích, anh sẽ mua cho em nhé". Nhưng khi thấy giá tiền dưới đế giầy, thì anh ấy quay sang nhìn em cười ngượng ngùng. Em biết hôm ấy là cuối tháng rồi, mà thực ra nếu có là đầu tháng hay giữa tháng thì bọn em cũng không mua nổi, sau khi đã nộp tiền nhà, tiền ăn, vân vân đủ loại. Nên em kéo tay anh ấy ra khỏi cửa hàng. Em nghĩ mọi chuyện vậy là xong. Thế nhưng, tối hôm qua anh ấy nói với em, muốn đi phỏng vấn vào một công ty khác. Em hỏi: "Đang yên đang lành sao anh lại nghỉ việc?". Anh ấy nói: "Chỗ này lương cao hơn". Em lại hỏi: "Cao hơn bao nhiêu lần chỗ cũ?". Anh ấy bảo: "Mỗi tháng nộp đủ các khoản, cùng bỏ lợn tiết kiệm thì vẫn dư ra một đôi giấy". Em rất ít khi cảm động, thật đấy, cả lúc mẹ em gọt táo cho em hồi thi đại học, em cũng chỉ rơm rớm nước mắt. Vậy mà hôm ấy em đã òa khóc.
    Bỗng dưng, rất bỗng dưng, cô lại thấy mình sao quá đơn độc. Trước đây, cô cảm thấy một mình rất ổn, quá ổn là đằng khác, thậm chí có lúc, cô từng nghĩ sau này nếu chẳng yêu nổi một ai, hoặc chẳng có ai yêu nổi mình, cô sẽ nhận một đứa trẻ làm con nuôi và sống thế cho tới già. Chỉ thế thôi là đủ. Nhưng giờ, cô sợ, hóa ra mùi vị của cô đơn là như vậy. Nó giống hệt bát mì tôm hàng ngày cô vẫn ăn. Ban đầu cô nghĩ không tồi, nhưng bỗng một hôm nào đó ngửi được mùi xào nấu thơm phức tỏa ra từ mái bếp nhà hàng xóm, cô mới biết thứ cô đang ăn thật nhạt nhẽo và vô vị.
    - Em muốn gọt táo cho anh ấy vào ngày kia, nhưng đấy là nếu hôm nay em thành công. Em không muốn thử vận may. Ít nhất thì cũng không muốn biến vận may thành điềm báo điều gở.
    gia-ma-co-ai-do-de-yeu-1
    Đầu tháng năm sau đó, cô bảo vệ luận văn, cùng lúc chàng trai nhận được công việc mới. Họ mở một bữa tiệc liên hoan tại nhà, cô nhớ mang máng thế. Tháng sáu cô gái nhỏ đeo ba lô xuống chào cô về nghỉ hè. Cả hai người cùng về à? Cô nhìn chàng trai đứng sau cô gái nhỏ, hỏi. Cô gái nhỏ vung tay múa chân hào hứng nói, không, anh ấy đưa em về thôi, ngày mai là chủ nhật mà, khi nào lên em sẽ mang quà cho chị, quê em ở gần biển, có rất nhiều hải sản nhé!
    Những ngày tiếp theo, cô vừa viết hồ sơ xin việc, vừa ôn cao học. Cô luôn chuẩn bị sẵn nhiều sự lựa chọn cho cuộc đời mình, nếu cô thất nghiệp cô sẽ tiếp tục đi học. Cô ghét cảm giác lâm vào đường cùng. Tháng sáu trôi qua, rất dài. Đôi bạn trẻ vẫn chưa trở lại. Bà chủ nhà tới thu tiền phòng, hỏi cô có biết họ đi đâu không? Cô bảo hình như hai người về quê, chắc nghỉ hè. Nhưng trong lòng cô, mơ hồ nghĩ, có lẽ họ không quay lại. Ở nơi này chẳng có gì ràng buộc được họ. Họ rất tự do, chỉ cần có nhau, đó là tất cả hành lý cho một chuyến đi xa. Bẵng đi ít lâu, bà chủ nhà lại tới, có ý định phá khóa cửa. Bà bực bội nói, thế là bị chúng nó quỵt toi hai tháng tiền nhà, đồ ranh con. Thế nhưng, đêm ấy, cô thấy chàng trai về, một mình. Cô đoán, chắc mùa hè hết cô gái nhỏ sẽ trở lại, nên lúc tình cờ gặp nhau dưới chân cầu thang, hai người chỉ gật đầu chào hỏi.
    Mùa hè qua, mùa thu sang, rất nhanh đông lại tới, mọi người ở khu nhà trọ dần quen với hình ảnh chàng trai sớm tối lạc lõng đi về, những vỏ cơm hộp chất đầy trước cửa nhà không ai buồn vứt. Cô gái nhỏ cứ thế lặng lẽ biến mất. Cô ở dưới nhà dưới dần bị lây nhiễm sự yên tĩnh, trầm vắng của phòng trên. Có những ngày, cô ngỡ như, chẳng còn ai sống ở đây nữa.
    Những cái cây con trong chậu, cô không nhổ lên mà cũng chẳng có ý định chăm sóc. Vào những ngày mưa to, chàng trai tuy không nhớ cất quần áo, nhưng lúc nào cũng vội vã buộc mấy cái ô vào thành lan can nhà mình, để chúng rũ xuống che chắn cho đám cây con. Cô ngồi trên giường, thất thần lắng nghe tiếng mưa rơi trên tán ô lộp bộp, và hình ảnh những chiếc dù màu bảy sắc cầu vồng, đu qua đu lại trước ban công đã trở thành nỗi ám ảnh dịu êm trong lòng cô.
    Tháng mười hai năm sau, cô kiếm được việc làm, dạy hợp đồng trong một trường tư cách rất xa chỗ ở trọ. Mỗi ngày trở về nhà, cô đều mệt phờ vì quãng đường xã ngái và những bài giảng nhạt nhòa. Cô quyết định hết năm sẽ chuyển đi, lúc cô báo với bà chủ nhà điều ấy, chàng trai cũng nghe thấy. Buổi tối, cô có chút ngạc nhiên vì anh ta gõ cửa phòng mình. Chàng trai có vẻ đã uống rất nhiều rồi mới đến đây, dạo này anh ta vẫn thường thế, chỉ trở về khi đã ngấm hơi say, cô biết vì có lần nhìn thấy anh phải bò lên những bậc cầu thang để về phòng.
    - Vào trong ngồi đi, tôi mời anh uống trà tạm biệt được không?
    Cô nói nhỏ, vừa đủ cho hai người nghe thấy. Chàng trai lưỡng lự một lát rồi mới bước vào. Căn phòng chưa đầy mười sáu mét vuông, giống hệt phòng anh về cách thiết kế, nhưng bên trong bày biện giản dị hơn. Một chiếc giường đơn kê góc nhà, trên giường trải bộ ga đệm màu ghi. Bàn làm việc cạnh cửa sổ, rèm cửa xám nhạt được vén gọn sang một bên. Trên tường xung quanh nhà treo chi chít những bức tranh nghệ thuật ảo giác, lơ lửng trên những sợi dây màu đen, được kẹp lại bằng những chiếc ghim giấy như đường dây phơi quần áo.
    Cô đổ nước sôi từ chiếc ấm đun siêu tốc ra hai chiếc cốc, rồi nhúng hai túi trà lipton, lấy chiếc thìa sắt ấn gói trà đang nổi lềnh bềnh xuống dưới đáy, hương chanh thanh thoát phảng phất xung quanh. Đã rất lâu rồi anh không còn ngửi thấy mùi vị gì khác ngoài mùi mốc meo của chăn màn để lâu và những ổ bánh mì đang lên men trong tủ lạnh. Cô đưa cho anh một ly trà và ngồi xuống phía đối diện. Anh chậm rãi cất lời:
    - Em có thể cho tôi xin lại những cái cây ngoài ban công được không?
    Cô gật đầu, khẽ cười, không quá thân mật:
    - Nhưng em cần anh giúp một tay. Em không nghĩ là có thể một mình tháo chúng xuống được. Những cái khung sắt bao bên ngoài đã han gỉ quá rồi.
    Lúc họ gỡ những chậu hoa xuống, một ít bùn đất dính vào áo anh, cô bảo: khi về nhà anh nên ngâm ngay đi, nếu không sẽ không giặt sạch được, rồi lại chỉ vào mấy cái cây: chúng sắp lớn hơn rồi, đến lúc ấy phải mua một cái chậu đơn và trồng riêng từng cây một. Giọng cô đều đều khiến anh buồn ngủ. Anh ngáp một cái dài, xiêu xiêu vẹo vẹo tựa người vào thành ban công. Cô vội giữ lấy anh. Xúc cảm mềm mại từ lòng bàn tay cô làm anh nổi da gà. Anh tưởng rằng mình đã đẩy cô ra, nhưng lát sau anh lại thấy mình ôm cô vào lòng. Nhưng kỳ lạ thật, anh cũng không biết đó có phải là mình không nữa, vì rõ ràng anh xiết cô rất chặt trên tay nhưng vẫn thấy trống vắng lạ lùng.
    Vào giây phút anh chìm sâu vào trong cô, cô có cảm giác mình giống như một dòng sông bị rút cạn nước, chỉ còn trơ khấc tầng đáy cằn cỗi. Cô nhớ lại những buổi đêm anh và cô gái nhỏ cùng ngâm nga khúc ca hạnh phúc, đó mới thực sự là làm tình, giây phút thể xác và linh hồn hòa quyện làm một. Cô nhắm mắt, trong đầu không ngừng tự nhủ:"Sẽ qua hết, sẽ qua hết, sẽ qua hết", cho đến khi những tia nắng đầu tiên ló rạng.
    - Tôi sẽ chịu trách nhiệm!
    Anh nói. Tự nhiên cô lại muốn bật cười. Anh không biết à, em không phải gái trinh. Đó là lý do vì sao em vẫn còn cô đơn đến bây giờ. Nên anh không cần phải chịu trách nhiệm đâu, thật đấy (cô nhấn mạnh). Nhưng anh có vẻ không quan tâm đến điều cô nói.
    Tháng ba của năm sau đó, họ làm đám cưới. Cuối tháng chín cùng năm, họ chào đón cô con gái đầu lòng. Xóm trọ và những người hàng xóm tầng trên, bỗng trở thành câu chuyện cũ không còn ai muốn kể và nhớ đến nữa.
    ***
    Cảm giác tê buốt từ lòng bàn chân truyền tới khiến cô tỉnh giấc. Chắc là mình nằm một tư thế quá lâu, cô nghĩ. Khi quay sang bên cạnh, cô hoảng hốt nhận ra chồng mình vẫn còn ngồi nguyên đấy, thế nên cô bảo: Em đã mơ một giấc mơ rất dài, rất dài, dài như cả một đời người vậy. Nhưng không có tiếng đáp lại. Cô tưởng chồng mình đã ngủ. Men theo ánh sáng dọc đường đi, cô nhận ra sắc mặt anh tái nhợt. Nước từ tóc, lông mi, và hai tay áo không ngừng chảy dọc xuống, ngay cả chiếc quần cũng ướt sũng, tạo thành một vũng nước đọng dưới chân. Anh vừa ra ngoài đấy à? Trời mưa ư? Cô hỏi, nhưng nhanh chóng nhận ra họ vẫn đang ngồi trên xe và cửa kính hoàn toàn khô ráo. Em vẫn đang mơ sao? Cô tự nói một mình. Xe vừa chuyển hướng vào làn đường cao tốc.
    ***
    Anh không sao định nghĩa được mối quan hệ của bọn họ. Anh cưới cô chỉ vì đã đến lúc anh cần lập gia đình, hoặc là anh cần một sợi dây bó buộc đời mình vào một thứ trách nhiệm nào đó để không bỏ đi, phải, không về với Chúa. Đêm ấy là anh chủ động, anh có cảm giác cô sẽ không từ chối, và vì cô không yêu anh, anh biết thế. Có lần cô từng nói: "Nếu em lấy một người đàn ông, em sẽ không quan tâm đến quá khứ của anh ta, em chỉ coi trọng hiện tại, mà ngay cả hiện tại nếu anh ấy không thể đáp ứng được em, cũng không sao cả. Em chỉ cần một căn nhà, làm chỗ đi về. Có lẽ cả đời này em cũng không yêu nổi một ai nữa, mà cũng không chắc lắm, vì tương lai là một chữ "Ngờ", chẳng ai biết trước được, nhưng ngay cả nếu có yêu, em cũng không muốn đòi hỏi gì nhiều. Em chỉ cần một căn nhà, đó là giới hạn, anh hiểu chứ?". Đấy là lần duy nhất cô nói dài, và nói nhiều như vậy với anh. Cô đang cố chứng minh cho anh thấy, anh không cần phải chịu trách nhiệm với cô, ngay cả khi họ lấy nhau, anh vẫn tự do, tự do đúng nghĩa.
    Anh không thường để ý đến cô. Những lúc về nhà, anh luôn vùi đầu vào ngủ. Họ ít nói chuyện, nếu có, chỉ xoay quanh đứa con chưa chào đời. Nhưng có những thói quen của cô, anh vẫn biết, ví như cô là người nhìn qua có vẻ tùy tiện, xong thực chất lại sống rất máy móc. Khi rửa mặt cô nhất định phải giặt khăn và lau mặt đủ ba lần, dù có vội đến mấy. Có bận không nén được tò mò anh hỏi: "Làm thế tốt cho da mặt à?", không ngờ cô bảo: "Chỉ là thói quen thôi". Lúc pha trà, cô luôn đổ nước trước, sau đó mới nhúng gói trà xuống sau.
    Cô làm việc nhà theo một trình tự cố định, tức là không có chuyện, lau nhà rồi mới gấp chăn, luôn luôn là: dọn dẹp giường ngủ trước - kéo ri đô trên các cửa sổ - quét tước bắt đầu từ phòng ngủ ra đến phòng khách rồi mới tới phòng bếp - trong khi ngâm rẻ lau nhà, cô sẽ tranh thủ cọ rửa nhà tắm. Cô cần tạo cho mình một vài thói quen, để ép buộc bản thân phải sống trên một đường thẳng. Cô không sợ phải làm đi làm lại một việc hàng ngày. Cái cô sợ là một ngày nào đó, ngay cả những việc nhàm chán này cô cũng không muốn làm nữa. Vậy thì có khác gì người đã chết.
    Khi đi chợ, cô luôn chỉ mua ở những cửa hàng quen, nếu hôm ấy hàng thịt bò ở ki ốt số 17 đóng cửa, thì cả nhà cũng nghỉ ăn thịt theo. Một lần, anh thấy cô cứ mặc mãi quần áo của hãng Canifa, từ mùa đông cho đến mùa hè, tới nỗi quanh nhà chất đầy những túi đựng màu đỏ chót. Anh bảo: "Em là cô gái Canifa đấy à?". Cô nhún nhún vai: "Chỉ là em quen rồi". Bởi vì sống quá lâu cùng một người, anh nghĩ thế, khi người ta cứ chạm mặt nhau mỗi ngày, thì tự nhiên có thể tự động ghi nhớ nhau một cách không có chủ ý.
    Sau khi lấy cô, sự nghiệp của anh phất lên như diều gặp gió. Lúc con gái tròn ba tuổi, họ đã tích đủ tiền mua nhà - một căn hộ ngay gần trung tâm thành phố. Từ đó, anh bắt đầu có thói quen tặng giầy cho cô. Mỗi lần giao mùa, anh sẽ đi dạo khắp các cửa hàng, nếu thấy có mẫu mã nào mới, vừa mắt, anh đều không tiếc tiền mua về, từ cao gót, xăng đan, giầy bệt, thể thao...với đủ loại nhãn hiệu. Có điều, tất cả các đôi giầy anh chọn luôn là cỡ ba mươi sáu. Trong nhà của họ, bày đầy những kệ giầy lớn nhỏ, có đôi, cô mới chỉ kịp xỏ chân một vài lần. Nhưng anh hiếm khi kêu cô đi thử cho mình ngắm, cũng không biết cô mang có hợp và vừa chân không. Chỉ duy hồi mới cưới, anh đã mua một đôi giầy cao gót màu xanh dương, có đính thêm những viên đá tròn óng ánh và bảo cô đi cho mình xem. Cô nói, rất hiếm người đàn ông mua giầy tặng vợ, vì có khi suốt đời cũng không biết size giầy của vợ là bao nhiêu. Rồi, cô vui vẻ thử giầy, đi đi lại lại trước mặt anh. Nhưng bấy giờ, anh cũng không buồn để ý lắm, vì trước mắt anh, khung cảnh bỗng trở nên nhòe nhoẹt. Suốt một tuần liền sau đó, cô luôn mang đôi giầy anh tặng đi làm. Bước chân của cô lúc lên xuống cầu thang có đôi phần khó khăn và chậm chạp. Anh hỏi: "Sao thế, không vừa?". Nhưng cô lắc đầu bảo: "Vừa lắm, chỉ vì em chưa quen đi giầy cao gót thôi". Anh cũng mau chóng lãng quên chuyện này, cho nên không hề để ý thấy mỗi ngày trở về nhà, hai gót chân của cô đều bị phồng rộp và bong chóc da đến rướm máu.
    Nhiều năm qua đi, anh vẫn tặng cô giầy cỡ ba mươi sáu, còn cô luôn mỉm cười đón nhận, chưa bao giờ gạn hỏi: "Tại sao không phải là một món quà khác?". Ngay cả bản thân cô cũng không hiểu được lý do mình phải làm thế. Cũng như trước đây, mỗi ngày mưa cô đều mất ngủ vì những chiếc ô bảy sắc cầu vồng không ngừng đưa qua đưa lại, nhưng chẳng hề tìm anh phàn nàn nửa câu.
    Cho đến một ngày, khi đang chơi cùng con gái, đứa bé cứ sờ soạng gót chân anh rồi ngây ngô hỏi: "Cha ơi vì sao chân cha không có ba mắt ?". Anh lấy làm lạ. Con gái bập bẹ giải thích: "Sau hai chân mẹ có cục u cứng như đá. Mẹ bảo con đó là mắt thứ ba của bàn chân, giống cô bé có ba mắt thần kỳ". Anh sững sờ, đêm ấy anh để ý bàn chân vợ. Chẳng biết từ bao giờ, sau gót chân cô, lớp da nhẵn thín đã trở lên sần sùi, cứng ngắc. Anh nhìn không chớp mắt vào những vết chai sạn hình bầu dục xấu xí, lòng anh bấy giờ vô cùng phiền muộn và rối rắm: "Những đôi giầy vốn không vừa chân, sao em còn đi chúng?". Giữa đêm khuya, tiếng nói rất đỗi hiền lành của cô như gõ từng nhịp một vào trái tim anh: "Em quen rồi". Ngày ấy, họ vẫn nằm quay lưng về phía nhau. Anh không nhìn thấy được mặt cô. Nhưng trước khi chìm vào giấc ngủ, anh bỗng nghe thấy mình nói: "Mai anh đi công tác. Đợi anh về, mình cùng đi mua một đôi giày mới, được không?". Trong mơ, anh thảng thốt nhớ lại, cái đêm anh ôm cô ngoài ban công. Cái đêm mà rõ ràng anh ôm cô vào lòng, nhưng dường như anh lại không ở đó.
    ***
    Lần này thì cô biết mình tỉnh dậy thực sự, vì chồng cô không còn ngồi cạnh cô. Xe đã dừng hẳn lại. Từ cửa kính nhìn ra, cô có thể thấy bờ biển trải dài hun hút, và những con sóng vỗ chập chùng.
    - Đến nơi rồi, con vẫn ổn chứ?
    Giọng nói khàn khàn ấy là của cha chồng cô. Lúc này ngay cả một cái gật đầu cũng khó khăn làm sao. Rất nhiều người đang tiến về phía cô, vành mặt họ đều đỏ hoe. Một người đàn ông – gần bằng tuổi chồng cô, đưa tay mở cửa xe và đỡ cha chồng cô xuống, một người khác chạy tới dìu cô.
    - Chúng cháu vẫn chưa tìm thấy anh ấy.
    Cô nghe mọi người nói. Cô chưa bao giờ nghĩ về tương lai của bọn họ, cũng như việc anh và cô có thể cùng nhau trải qua năm năm hôn nhân tính đến thời điểm hiện tại, đối với cô đã là một kỳ tích. Thế nên, khi người ta đến báo với cô anh đã chết, trong khi cứu một cô gái trẻ, anh không đủ sức để bơi vào bờ, sóng quá lớn, nhiều ngày nay vẫn chưa tìm thấy xác. Cô nghĩ, vậy là cuối cùng họ cũng rời xa nhau.
    Cô lênh đênh trên biển cả ngày, cô nhìn những người thợ lặn chìm xuống rồi nổi lên như những chiếc phao cứu sinh. Vài người trong đoàn khuyên cô ở lại bờ, cô gật đầu, bảo: "Cám ơn, tôi khỏe". Cô thật sự khỏe, cô thậm chí không biết mệt mỏi. Cô rất bình tĩnh, bình tĩnh đón nhận tất cả, người ta chỉ đau khổ khi mất đi người mình yêu thương, mà giữa anh và cô vốn không tồn tại thứ gọi là tình yêu, cô không yêu anh và anh cũng vậy. Cô không cho rằng người ta nhất định phải lấy nhau vì yêu. Một mối quan hệ ràng buộc nhau bởi tình yêu thậm chí còn tiềm ần nhiều bất trắc và biến cố hơn bất kỳ mối quan hệ nào khác trên đời này.
    Đến ngày thứ bảy hay thứ tám thì họ tìm thấy chồng cô. Lúc thay quần áo cho anh, cô còn cẩn thận lau khô từng bên tóc. Cô biết anh không thích nhất là để tóc ướt đi ngủ. Cô khe khẽ thì thầm: Chúng ta không hẹn nhau kiếp sau, bởi vì chỉ có những người yêu nhau mới mong được gặp lại. Anh hãy yên tâm đi đến nơi mà anh muốn, gặp người mà anh thương...
    ***
    Rất lâu, rất lâu sau này, con gái nói với với cô, mẹ ơi cái cây của cha mọc lên rồi. Cô hỏi, cái cây nào hả con? Con gái chỉ xuống khu vườn trống dưới nhà, ở kia kìa, mẹ có thấy không, cái cây xa nhất ấy. Lúc xưa, cha thường cùng con đứng ở trên này và thi xem ai nhủ hột nhãn ra xa hơn. Cha bảo, mai này những cái cây sẽ mọc lên, và đi tìm người thân thuộc về mình. Chỉ có người thân yêu nhất mới nguyện che chở cho chúng - những cái cây hoang dại ra đời.
    Mọi người hay quen kể lể về nỗi buồn, ngay cả phần lớn niềm vui khi được nhắc tới cũng gắn chặt với nỗi buồn. Vì thế, cô ít khi hồi tưởng, từ ngày anh chết. Những cái cây "cha con" mà con gái đánh dấu trong vườn, như xưa, cô không nhổ lên mà cũng chẳng có ý định chăm sóc. Nhưng vào những ngày mưa, con gái hay chạy quanh nhà hỏi: Mẹ ơi, những cái ô cầu vồng từ đâu đến? Có phải nó tới sau cơn mưa? Hay là cây con đã tìm thấy người thân của chúng? Mẹ ơi, những cái ô cầu vồng từ đâu đến?
    MY VIỆT

    Bạn đang xem

    Giá mình có ai đó để yêu



    Ấn +1 để ủng hộ bài viết nếu bạn thấy hay:

    Đường Dẫn :
    Chèn Forum :
    Chia Sẽ Yahoo :
    Xem bài kế
    Đọc bài gần đây nhất.
    Older Post
    • Blogger Comments
    • Facebook Comments

    0 comments:

    Post a Comment

    Item Reviewed: Giá mình có ai đó để yêu Rating: 5 Reviewed By: Unknown
    Scroll to Top