Bà nội tôi là người Ý, và bà là một phụ nữ tuyệt vời. Chúng tôi luôn gọi bà là “Nanny”. Tôi chưa từng thấy ai có tâm hồn trẻ trung, luôn đầy yêu thương như thế. Người bà thấp và mập, nhưng bà rất nhanh nhẹn, với sự nồng nhiệt dành cho cuộc sống được bộc lộ theo rất nhiều cách: Trong những cái ôm mà bà trao cho chúng tôi, trong từng bữa ăn bà nấu, trong những bông hoa bà trồng ngoài vườn. Thậm chí trong cả những cơn giận dữ mà đôi khi bà thể hiện nữa. Tôi nghĩ một trong những lý do mà bố không bao giờ dạy tôi tiếng Ý chính là vì bố sợ tôi có thể hiểu được ý nghĩa một số từ ngữ mà bà buột ra trong cơn cáu giận.
Bà nuôi lớn 4 người con trai, rồi giúp bố mẹ tôi nuôi cả tôi lẫn hai em trai tôi nữa. Tôi luôn cảm thấy mình có một tuổi thơ hạnh phúc vì được lớn lên cùng bà. Bà làm việc cham chỉ, cười to, và không bao giờ sợ những gì cuộc sống mang đến cho mình. Cũng như nhiều người khác, cuộc sống của bà cũng không dễ dàng. Bà gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và thậm chí còn phải mổ vì có khối u trong não. Khi bà bị ngã vỡ xương hông vào năm 80 tuổi, các bác sĩ đã thuyết phục bố tôi rằng nên để bà vào viện dưỡng lão – nơi có các bác sĩ và y tác quen chăm sóc một người già bị bệnh, vì ở nhà thì bố sẽ không thể chăm bà tốt như thế được đâu.
Với một trái tim nặng trĩu, bố tôi phải chuyển bà vào viện dưỡng lão. Lúc này, bà tôi sút cân nhiều và phải ngồi xe lăn. Nhưng, ngay cả khi cơ thể ngày càng nhỏ lại và héo hon, thì tinh thần bà vẫn rất mạnh mẽ. Các cô y tá trong viện đều rất yêu quý bà. Kể cả những cơn giận kiểu Ý của bà cũng khiến họ mỉm cười, vì họ học được thêm vài từ tiếng Ý. Chúng tôi đến thăm bà rất thường xuyên và ăn tối cùng bà ở viện vào mỗi cuối tuần.
Tuy nhiên, vài năm sau đó, bà phải đối diện với thử thách khó khắn nhất khi tuổi tác và bệnh thật bắt đầu lấy đi trí nhớ của bà. Chứng suy giảm trí nhớ ngày càng trầm trọng. Nhiều khi tôi tới thăm, bà không còn biết tôi là ai nữa. Thật đau đớn khi nhìn thấy bà như vậy. Càng ngày, bà càng nói ít đi và càng ngày, bà càng nằm trên giường nhiều hơn. Đôi khi, tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là ngồi bên giường bà và nắm tay bà.
Có một lần, khi tôi tới thì bà đang ngủ. Tôi vẫn ngồi cạnh giường và nắm lấy tay bà, nhớ lại nhiều năm trước. Tôi bật khóc khi nghĩ rằng cuộc sống lấy đi của bà tất cả các kỷ niệm theo cách này. Bỗng nhiên, đúng vào khoảnh khắc đó, bà mở mắt ra. Bà nhìn tôi rất chăm chú, những tôi có thể thấy rằng bà không nhận ra tôi. Thế rồi bà nhìn xuống tay tôi đang nắm tay bà, và thay vì rút tay ra, bà mỉm cười với tôi và nói nhỏ: “Ta yêu con”. Rồi bà nhắm mắt lại và nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Tôi biết bà đã không nhận ra tôi, vì trước đây thì bà nói: “Nanny yêu con”, chứ không phải “Ta yêu con”. Tuy nhiên tôi có thể thấy rằng dù tâm trí của bà không còn nhớ ra tôi nữa, nhưng tâm hồn bà vẫn nhớ được tình yêu, và như thế là đủ rồi.
Bởi vì, đến cuối cùng, cuộc sống có thể lấy đi tất cả mọi thứ mà chúng ta có, trừ tình yêu. Tình yêu không bao giờ bị quên đi. Bạn không thể quên tình cảm mà mình đã cho đi hoặc được nhận. Tình yêu giúp chúng ta bước đi trong cuộc sống này, qua mọi khó khăn. Chính tình yêu quá lớn của bà tôi đối với mọi người và đối với sự sống đã khiên bà có một tâm hồn đặc biệt đến vậy.
Hãy luôn nhớ tình yêu. Và nhớ yêu thương. Đó là điều làm nên con người của bạn. Đó là một mục đích lớn của bất kỳ ai. Và đó là ý nghĩa của cuộc sống này.
Joseph J. Mazzella
0 comments:
Post a Comment